Đối tượng nào được tham gia đấu giá cổ phần?
1. Đấu giá cổ phần được hiểu là gì?
Trước khi đi tìm hiểu về đối tượng nào được tham gia đấu giá cổ phần thì chúng ta phải nắm được thế nào là đấu giá cổ phần. Đấu giá cổ phần hay còn gọi là đấu giá chứng khoán được hiểu là một trong những phương thức mà người bán tổ chức phát hành muốn thoái vốn hoặc tăng vốn theo hình thức đấu giá, ai trả giá cao hơn sẽ được mua trước cho đến khi hết số lượng mà người bán muốn bán.
2. Hội đồng bán đấu giá cổ phần là gì?
Theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 585/QĐ-UBCK năm 2018 ghi nhận về Hội đồng bán đấu giá cổ phần như sau:
Hội đồng bán đấu giá cổ phần là tổ chức thực hiện chỉ đạo việc bán đấu giá cổ phần bao gồm: đại diện Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp đấu giá, đại diện Ban tổ chức đấu giá, đại diện tổ chức tư vấn bán cổ phần và đại diện nhà đầu tư (nếu có). Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá cổ phần là Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa hoặc thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa do Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa ủy quyền bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá cổ phần thay mặt cho Hội đồng bán giá đấu cổ phần ký các văn bản thuộc thẩm quyền.
3. Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng bán đấu giá cổ phần?
Theo quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 585/QĐ-UBCK năm 2018 ghi nhận về trách nhiệm cũng như quyền hạn của Hội đồng bán đấu giá cổ phần như sau:
Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng bán đấu giá cổ phần
- Tổ chức chỉ đạo và tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá cổ phần theo quy định;
- Quyết định thành phần của Tiểu ban đấu giá khi Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần lựa chọn phương thức nhập lệnh tại Đại lý đấu giá;
- Kiểm tra tính hợp lệ của các hòm phiếu và phiếu tham dự đấu giá;
- Xem xét xử lý các trường hợp vi phạm Quy chế bán đấu giá và các trường hợp vi phạm khác tùy theo mức độ vi phạm;
- Đồng ký Biên bản xác định kết quả đấu giá công khai theo khoản 4 Điều 16 Quy chế này;
Theo đó, Hội đồng bán đấu giá cổ phần là tổ chức chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các hoạt động bán đấu giá cổ phần.
4. Đối tượng nào được tham gia đấu giá cổ phần
Theo quy định tại Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 585/QĐ-UBCK năm 2018, những đối tượng tham gia đấu giá cổ phần gồm:
Đối tượng tham gia đấu giá cổ phần bao gồm tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và đáp ứng các điều kiện sau:
– Đối với nhà đầu tư trong nước
+ Đối với nhà đầu tư cá nhân: Là công dân Việt Nam, có địa chỉ liên hệ, Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân hợp lệ và có đủ năng lực hành vi dân sự;
+ Đối với nhà đầu tư tổ chức: Là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam; có tư cách pháp nhân (đối với các tổ chức kinh tế); có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp/Giấy phép hoạt động; có địa chỉ liên hệ.
– Đối với nhà đầu tư nước ngoài: ngoài các quy định như đối với tổ chức và cá nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định sau:
+ Mở một (01) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động liên quan đến mua cổ phần phải thông qua tài khoản này;
+ Có Giấy chứng nhận mã số giao dịch chứng khoán do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cấp (bản sao có xác nhận của ngân hàng lưu ký hoặc công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản lưu ký);
+ Tuân thủ quy định hiện hành về góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp.
– Các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư: Trường hợp các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác đầu tư có trách nhiệm tách biệt rõ số lượng nhà đầu tư, số cổ phần cửa từng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua.
Ngoài ra, nhà đầu tư tham gia đấu gia có trách nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 585/QĐ-UBCK năm 2018:
– Tiếp cận thông tin công bố về doanh nghiệp cổ phần hóa và cuộc đấu giá theo quy định;
– Gửi Đơn đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần cho Đại lý đấu giá theo Phụ lục số 7a hoặc Phụ lục số 7b kèm theo Thông tư số 40/2018/TT-BTC và nhận Phiếu tham dự đấu giá;
– Thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư tại công ty cổ phần và các quy định pháp luật liên quan trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá mua cổ phần;
– Nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị tổng số cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm;
– Nộp Phiếu tham dự đấu giá theo quy định;
– Nhận hoàn trả tiền đặt cọc theo quy định;
– Thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền mua cổ phần trúng đấu giá;
– Tuân thủ các nội dung tại Quy chế đấu giá này.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật An Việt 24/7 đối với câu hỏi đối tượng nào được tham gia đấu giá cổ phần. Đây là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt trong vài năm qua đây là hình thức chủ chốt mà Nhà nước muốn Cổ phần hóa thoái vốn của mình trước khi đưa Công ty đó lên sàn Chứng Khoán.
Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật An Việt 24/7 qua các thông tin sau:
– Hotline/Zalo: 0814 9 67899
– Email: luatanviet247@gmail.com
– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội