Doanh nghiệp là gì? Các loại hình doanh nghiệp hiện nay

Doanh nghiệp là gì? Các loại hình doanh nghiệp hiện nay

Hiện nay với các chính sách mở cửa của nền kinh tế, nước ta mở rộng hợp tác phát triển, do đó nhu cầu kinh doanh mở doanh nghiệp ngày càng nhiều. Bài viết dưới đây Luật An Việt 24/7 đưa ra khái niệm thế nào là luật doanh nghiệp, cũng như các loại hình doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.

1. Doanh nghiệp là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được hiểu là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn định nghĩa các loại doanh nghiệp sau:

– Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020.

– Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.

2. Các loại hình doanh nghiệp hiện nay

Trước khi đi vào khởi nghiệp và mở công ty thì bước đầu tiên cần lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, thì hiện nay có các loại hình doanh nghiệp sau:

2.1 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Đây là một trong các loại hình được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là các nhà khởi nghiệp trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến quản lý công ty.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các khoản nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020.

Như vậy, có thể thấy do chỉ có một chủ sở hữu, nên công ty TNHH 1 thành viên thuận tiện trong việc điều hành và quản lý, cũng như các thủ tục điều hành nội bộ đơn giản. Ngoài ra thì khi lựa chọn loại hình này, chủ sở hữu cũng an tâm các vấn đề rủi ro khi chỉ phải chịu các trách nhiệm pháp lý trong phạm vi số vốn mình đã góp.

2.2 Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Tương tự như loại hình công ty TNHH một thành viên, loại hình này chỉ khác biệt đối với số lượng thành viên tham gia góp vốn.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020.

2.3 Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

Với ưu điểm được phát hành cổ phần và dễ dàng giao dịch cổ phần, đây là công ty đối vốn, loại hình được các cá nhân ưa chuộng khi muốn kinh doanh các ngành nghề với số vốn lớn, hoặc muốn mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh.

2.4 Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

+ Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

+ Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Đây là công ty đối nhân, theo đó các thành viên tham gia thành lập công ty thường là những người quen biết nhau từ trước. Đối với loại hình này, khi muốn chuyển nhượng lại phần vốn góp, cá nhân tổ chức phải ưu tiên chuyển nhượng cho các thành viên trong công ty trước.

2.5 Doanh nghiệp tư nhân

+ Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

+ Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

+ Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

+ Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Loại hình doanh nghiệp này hiện nay không được nhiều người lựa chọn với nhược điểm chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm toàn bộ bằng tài sản của mình cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động liên quan đến việc mua bán cổ phần và phần vốn góp. Tuy nhiên thì doanh nghiệp tư nhân có lợi thế trong vấn đề củng cố niềm tin với khách hàng và thuận tiện trong việc điều hành doanh nghiệp.

Trên đây Luật An Việt 24/7 đã đi đưa ra khái niệm về doanh nghiệp và các loại hình doanh nghiệp cơ bản để quý độc giả có thể nắm được sơ bộ về vấn đề này. Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật An Việt 24/7 qua các thông tin sau:

– Hotline/Zalo: 0814 9 67899

– Email: luatanviet247@gmail.com

– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội