Ưu nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp

Ưu nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp

Trước khi đi vào thành lập công ty, thì bước đầu tiên quan trọng nhất là việc lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình. Bài viết dưới đây Luật An Việt 24/7 gửi tới quý độc giả các ưu và nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp, để từ đó quý độc giả có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất cho mình.

1. Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn

Đây được xem là loại hình doanh nghiệp dễ quản lý và phù hợp nhất với những người mới đi vào kinh doanh, với những ưu điểm vượt trội của nó.

1.1 Công ty TNHH một thành viên

Ưu điểm:

– Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu do đó chủ sở hữu có toàn quyền trong việc đưa ra quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty, không cần xin ý kiến hay góp ý từ các chủ thể khác;

– Có tư cách pháp nhân;

– Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản (chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đưa vào kinh doanh).

Nhược điểm:

– Khó khăn trong việc thực hiện hoạt động huy động vốn do không được phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Công ty TNHH một thành viên khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

– Công ty TNHH nói chung không được phát hành cổ phiếu.

1.2 Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Ưu điểm:

– Có tư cách pháp nhân, các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty, do đó ít gây rủi ro cho những người tham gia góp vốn;

– Số lượng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên thường không nhiều, các thành viên tham gia thành lập công ty thường là người quen biết, tin cậy nhau nên việc điều hành, quản lý công ty không quá phức tạp;

– Việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty được luật pháp quy định khá chặt chẽ nên chủ sở hữu cùng ban lãnh đạo công ty dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty.

Nhược điểm:

– Tương tự như loại hình TNHH 1 thành viên, công ty gặp khó khăn trong việc góp vốn vì không có quyền phát hành trái phiếu.

– Trong một số trường hợp, do việc các thành viên chủ sở hữu công ty chỉ phải chịu trách nhiệm theo phạm vi số vốn mà mình cam kết góp vào doanh nghiệp nên không tạo được niềm tin của những khách hàng lớn vì sợ rủi ro.

2. Loại hình công ty cổ phần

Là một trong những công ty đối vốn, do đó đây là loại hình được lựa chọn khi có nhiều người cùng nhau góp vốn, vốn điều lệ công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Cổ đông là người sở hữu cổ phần trong công ty.

Khác với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, số lượng cổ đông của công ty cổ phần tối thiểu là 3 cổ đông sáng lập và không hạn chế số lượng tối đa tham gia góp vốn vào công ty. Công ty cổ phần có một số ưu nhược điểm sau:

Ưu điểm:

– Trách nhiệm tài sản hữu hạn, hạn chế rủi ro khi cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

– Cổ đông có quyền tự do thực hiện hoạt động chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Có tư cách pháp nhân;

– Công ty cổ phần có quyền tiến hành phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn, việc huy động vốn dễ dàng, linh hoạt hơn và huy động được số vốn lớn hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Nhược điểm:

– Do công ty cổ phần không hạn chế cổ đông góp vốn vào thành lập công ty cũng như dễ dàng trong việc chuyển nhượng vốn do đó dễ có sự phân hóa các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích nên việc quản lý, điều hành công ty sẽ phức tạp hơn;

– Việc thành lập và quản lý điều hành công ty cổ phần phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt là các vấn đề về chế độ tài chính, kế toán.

3. Loại hình doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là loại hình do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Ưu điểm:

– Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tương đối đơn giản;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do đó thuận tiện trong việc quản lý và điều hành;

– Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân đơn giản hơn so với các loại hình khác;

– Doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh nên có thể dễ dàng tạo dựng sự tin tưởng từ đối tác, khách hàng.

Nhược điểm:

– Không có tư cách pháp nhân, rủi ro cao khi chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình;

– Khó huy động vốn do chủ doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào trên thị trường;

– Không được tiến hành thực hiện góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần trong các loại hình doanh nghiệp khác;

– Chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

4. Loại hình công ty hợp danh

Đây là loại hình doanh nghiệp đối nhân, do đó các thành viên tham gia góp vốn công ty thường là người quen

Ưu điểm:

– Thành viên công ty hợp danh thường là những cá nhân có trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp nên tạo được sự tin tưởng và ưu tiên lựa chọn của các đối tác.

– Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy với đối tác kinh doanh.

– Thường là những người thân quen trong gia đình cùng nhau thành lập công ty, do đó hạn chế được các rủi ro nhất định trong việc quản lý điều hành công ty, thuận tiện trong quản lý và điều hành công ty.

Nhược điểm:

– Do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty nên đối với các thành viên hợp danh của công ty có rủi ro hơn khi kinh doanh;

– Công ty khó huy động vốn do không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn;

Trên đây là một số ưu và nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp. Tùy vào nhu cầu và mục đích kinh doanh mà độc giả có thể lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Trường hợp còn bất cứ điều gì thắc mắc về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, hãy liên hệ trực tiếp tới Luật An Việt 24/7 để được chúng tôi hỗ trợ và tư vấn chi tiết nhất.

Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật An Việt 24/7 qua các thông tin sau:

– Hotline/Zalo: 0814 9 67899

– Email: luatanviet247@gmail.com

– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội