Cách tính thuế theo phương pháp khấu trừ

Cách tính thuế theo phương pháp khấu trừ

Hiện nay, theo quy định của pháp luật có 02 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), đó là phương pháp tính trực tiếp và phương pháp khấu trừ thuế. Phương pháp khấu trừ thuế là phương pháp được đại đa số các công ty hiện nay ưu tiên lựa chọn, vì dựa vào nó, công ty có thể khấu trừ được số thuế đầu vào khi mua hàng hóa, máy móc, nguyên vật liệu… đây là ưu điểm lớn nhất mà các phương pháp tính thuế trực tiếp không có được. Bài viết dưới đây Luật An Việt 24/7 sẽ hướng dẫn quý độc giả tính thuế theo phương pháp khấu trừ để quý độc giả có thể nắm được những vấn đề cơ bản nhất.

1. Các trường hợp công ty được lựa chọn phương pháp khấu trừ

Công ty thuộc các nhóm đối tượng sau sẽ được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế nếu thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, bao gồm:

– Công ty có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định;

– Công ty nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí.

– Công ty đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

2. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

Số thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.

Thuế GTGT ghi trên hóa đơn = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT

Thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định)

Trường hợp đặc biệt:

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiếtthì:

Thuế GTGT đầu vào = Giá đã có thuế – Giá chưa có thuế

Theo công thức trên thì: 

– Nếu số thuế GTGT phải nộp > 0 tức là số thuế GTGT đầu ra lớn hơn số thuế GTGT đầu vào thì công ty phải nộp thuế, nhưng không phải trong mọi trường hợp công ty đều phải nộp thuế vì còn phụ thuộc vào số thuế GTGT được khấu trừ từ kỳ trước chuyển sang.

– Nếu số thuế GTGT phải nộp < 0 thì số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Ví dụ: Công ty Luật An Việt 24/7 tiến hành tính số thuế GTGT phải nộp cho quý II/2023:

Số thuế GTGT phải nộp = 5 triệu – 3 triệu = 2 triệu

Nhưng trong quý I/2023, Công ty còn 2 triệu thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ, thì sẽ được thực hiện khấu trừ sang quý II/2023, do đó Số thuế GTGT phải nộp trong quý II là 0, hoặc trường hợp lũy kế sau ít nhất bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì công ty sẽ được hoàn thuế.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật An Việt 24/7 đối với cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Đây là một trong những vấn đề chuyên môn, do đó doanh nghiệp cần phải thuê kế toán hoặc sử dụng các dịch vụ kế toán chuyên nghiệp. Trong trường hợp còn bất cứ điều gì thắc mắc cần được tư vấn cụ thể hơn hãy liên hệ trực tiếp tới chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn.

Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật An Việt 24/7 qua các thông tin sau:

– Hotline/Zalo: 0814 9 67899

– Email: luatanviet247@gmail.com

– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội